CÔNG TY TNHH ĐẠT PHÚ LỢI

CÔNG TY TNHH ĐẠT PHÚ LỢI

CÔNG TY TNHH ĐẠT PHÚ LỢI

CÔNG TY TNHH ĐẠT PHÚ LỢI

Chăm sóc người bệnh mở hậu môn nhân tạo

Trích từ bài viết của CNĐD Vương Minh Nguyệt - đăng trên báo BẢN TIN Bệnh Viện Đại Học Y Dược TPHCM số 36 - 11/2013

 

Hậu môn nhân tạo là chỗ mở của hồi tràng hay đại tràng trên thành bụng. Hậu môn nhân tạo có hai kiểu chính: kiểu quai và kiểu đầu tận.

Loại hậu môn nhân tạo, vị trí làm hậu môn nhân tạo phụ thuộc vào bệnh lý và phương pháp phẫu thuật. Không có sự khác biệt đáng kể về sinh lý bệnh giứa hậu môn nhân tạo đại tràng và hậu môn nhân tạo hồi tràng. Hậu môn nhân tạo hồi tràng ít có biến chứng liên quan đến phẫu thuật, dễ đóng hơn nhưng dễ bị tắc hơn so với hậu môn nhân tạo đại tràng.

 

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN TRƯỚC MỔ

Trong điều trị ung thư đại - trực tràng và một số tổn thương khác của đường tiêu hóa, nhiều khi cần phải mở hậu môn nhân tạo tạm thời hay vĩnh viễn. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, việc tư vấn, chăm sóc cho người bệnh trước và sau mổ là hết sức cần thiết.

 

1. Tư vấn cho người bệnh

Đây là vấn đề không thể thiếu trong khi chỉ định mở hậu môn nhân tạo. Cùng với phẫu thuật viên, người điều dưỡng có vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho người bệnh. Cần tìm hiểu rõ những lo âu của người bệnh, ví dụ như: Sau khi mang hậu môn nhân tạo có tiếp tục làm việc được hay không? Có bị ai sợ sệt xa lánh vì mùi hôi của phân nơi hậu môn nhân tạo ? Ảnh hưởng đến kinh tế gia đình?

Bác sĩ và điều dưỡng có trách nhiệm giải thích rõ bệnh tật, lý do phải mở hậu môn nhân tạo, cách chuẩn bị, các can thiệp chính sẽ thực hiện trong cuộc mổ...

Đôi khi, nhân viên y tế phải nhờ đến những người mang hậu môn nhân tạo đã ổn định. Họ sẽ giúp cho ý kiến và là bằng chứng sống chứng minh cho người bệnh có thể chấp nhận và sẽ quen dần với việc mang hậu môn nhân tạo.

 

2. Giải thích và hướng dẫn về hậu môn nhân tạo

Giải thích hậu môn nhân tạo là gì và lý do phải mở hậu môn nhân tạo.

Vị trí mở hậu môn nhân tạo: cần có mô hình hậu môn nhân tạo trong khi tư vấn, chỉ các vị trí có thể mở hậu môn nhân tạo, vị trí dự định sẽ mở hậu môn nhân tạo cho người bệnh. Điều dưỡng cần giải thích lý do vì sao lựa chọn vị trí đó và dùng mô hình dán lên vị trí dự định mở ( không gần nếp gấp, không gần vùng da bị tổn thương, không cản trở người bệnh khi đi lại, dễ ra phân ở các tư thế).

Dùng viết đánh dấu vị trí cho phẫu thuật viên trước ngày mổ.

Cách chăm sóc hậu môn nhân tạo, chế độ ăn uông trước mổ và sau khi mở hậu môn nhân tạo, cách dán túi chứa phân, cách đi lại và nằm ngồi khi có túi chứa phân...

 

3. Vật lý trị liệu trước mổ

Tập cho người bệnh cách thở sâu và tập các động tác giúp ngăn ngừa các biến chứng ở phổi, giúp săn chắc cơ bụng tránh trường hợp sa hậu môn nhân tạo.

Hướng dẫn cho người bệnh nên tập đi lại sớm sau phẫu thuật.

 

4. Chế độ dinh dưỡng

Hướng dẫn chế độ ăn thích hợp trước mổ để làm sạch phân trong khi chuẩn bị mổ, các loại thức ăn sau khi mổ hậu môn nhân tạo nhằm tránh mùi, tránh thoát hơi nhiều, tránh bón, tránh tiêu chảy.

 

5. Vệ sinh cá nhân

Đây là điều rất cần thiết trước và sau mổ. Điều dưỡng cần hướng dẫn cho người bệnh cách chăm sóc răng miệng, cách tắm trước mổ và sau khi có túi chứa, giữ vệ sinh cho bộ phận sinh dục.

 

CHĂM SÓC SAU MỔ

Hướng dẫn cho người bệnh :

- Tập quen dần với hậu môn nhân tạo, cách sử dụng túi chứa phân như thế nào là đúng (cách cắt hay làm miệng túi không quá nặng, cách đo vòng cần cắt, cách dán túi sao cho dính tốt và không bị hở), loại túi thích hợp, cách theo dõi hậu môn nhân tạo để phát hiện các biến chứng.

- Tập vật lý trị liệu, tập đi lại.

- Hướng dẫn cách ăn uống với chế độ phù hợp đầy đủ dinh dưỡng, không nên nhịn ăn và tránh tình trạng kiêng cữ quá mức đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng.

- Hướng dẫn người bệnh quen dần cách tự làm vệ sinh cá nhân: vệ sinh răng miệng, tắm rửa, vệ sinh bộ phận sinh dục.

 

KHI NGƯỜI BỆNH XUẤT VIỆN

- Tư vấn giúp người bệnh dễ hòa nhập với cuộc sống gia đình và xã hội, tự tin trong cuộc sống , có thể tiếp tục công việc đã làm nhưng tránh làm các việc nặng.

- Các kỹ thuật tự chăm sóc bản thân và hậu môn nhân tạo:

   + Hướng dẫn cho người bệnh cách tự chăm sóc hậu môn nhân tạo:

  • Cách chăm sóc, thay túi hậu môn nhân tạo.
  • Cách chọn túi chứa.
  • Cách đo và dán túi chứa.

   + Hướng dẫn kỹ thuật "thụt tháo" khi bị bón (theo chỉ định của bác sĩ).

   + Hướng dẫn phát hiện các biến chứng có thể xảy ra:

  • Tắc ruột.
  • Viêm loét vùng da quanh hậu môn nhân tạo.
  • Hậu môn nhân tạo bị tụt vào thành bụng.
  • Sa hậu môn nhân tạo.
  • Thoát vị cạnh hậu môn nhân tạo.
  • Áp-xe hậu môn nhân tạo.
  • Rối loạn tiêu hóa: bón, tiêu chảy...

   + Hướng dẫn tập vật lý trị liệu hoặc hướng ẫn sinh, đi bộ, tập thể dục các động tác nhẹ.

   + Hướng dẫn về vệ sinh cá nhân, hướng dẫn cách tắm khi mang túi

   + Hướng dẫn chế độ ăn uống sau xuất viện đầy đủ dinh dưỡng, ít chất béo, nhiều chất đạm, khoáng chất.

   + Hướng dẫn người bệnh tái khám theo hẹn, thực hiện hóa trị, xạ trị theo kế hoạch điều trị cho từng loại bệnh.

   + Động viên tham gia câu lạc bộ " Mở lỗ thông ra da", để người bệnh:

  • Hiểu rõ về bệnh tật của mình.
  • Hiểu cách chăm sóc bản thân và hậu môn nhân tạo.
  • Chia sẻ các kinh nghiệm tự chăm sóc bản thân giữa các người bệnh.

- Cập nhật các thông tin về các kỹ thuật tự chăm sóc bản thân và hậu môn nhân tạo cho người bệnh.